Động sản là nguồn tài sản bảo đảm bổ sung cho bất động sản trong danh mục tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Sự ra đời của các loại tài sản mới đã và đang tác động đáng kể đến khái niệm động sản cũng như các giao dịch bảo đảm bằng loại tài sản này và đặt ra nhu cầu hoàn thiện thường xuyên các quy định pháp luật liên quan. Bài viết sẽ cố gắng đưa lại một cái nhìn tổng quan về các giao dịch bảo đảm bằng động sản.
1. Khái niệm động sản
Khoản 1, Điều 105, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“Bộ luật dân sự”) định nghĩa tài sản theo hướng liệt kê, theo đó “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.
Cũng như cách tiếp cận của nhiều nền pháp luật trên thế giới, pháp luật Việt Nam phân chia tài sản thành hai loại là bất động sản và động sản. Theo quy định tại khoản 2, Điều 105, Bộ luật dân sự, “tài sản bao gồm bất động sản và động sản”. Khoản 2, Điều 107, Bộ luật dân sự định nghĩa “động sản là những tài sản không phải là bất động sản”. Như vậy định nghĩa này không mô tả trực tiếp hoặc đưa ra các đặc điểm của động sản mà dựa trên tiêu chí phân loại mang tính loại trừ, theo đó các tài sản không phải là bất động sản sẽ được coi là động sản. Do đó, để xác định xem một tài sản có phải là động sản hay không thì phải xem nó có thuộc danh sách bất động sản mà pháp luật quy định hay không.
Khoản 1, Điều 107, Bộ luật dân sự liệt kê danh sách các tài sản được coi là bất động sản như sau:
“1. Bất động sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật”.
Tài sản gắn liền với đất đai được xác định theo pháp luật đất đai. Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 1, Điều 104, Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 (“Luật đất đai”), “tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Mặc dù trong danh sách quy định tại khoản 1, Điều 107, Bộ luật dân sự ở trên không có quyền sử dụng đất nhưng có thể hiểu là khái niệm “đất đai” ở trong điều luật trên bao gồm quyền sử dụng đất bởi trong pháp luật đất đai và kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất mới là đối tượng của các giao dịch liên quan đến đất đai. Đây là điểm khá đặc thù của pháp luật Việt Nam vốn chưa thừa nhận quyền sở hữu đất đai của các cá nhân và tổ chức. Cần lưu ý là Điều 115, Bộ luật dân sự coi quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản. Như vậy, một quyền tài sản cũng có thể là một bất động sản.
Như tên gọi của nó, động sản được hiểu là tài sản có thể di chuyển được như xe ô tô, thiết bị, hàng hóa… Đặc điểm này giúp phân biệt động sản với bất động sản thường là tài sản có vị trí cố định, không di chuyển được. Tuy nhiên, sự phân biệt này đang bị xóa nhòa trong bối cảnh hiện nay khi xuất hiện ngày càng nhiều các loại tài sản mới, đặc biệt là các tài sản vô hình. Với các loại tài sản này, dường như rất khó nếu không nói là không thể xác định được vị trí của tài sản, do đó các tiêu chí về tính cố định hay cơ động của tài sản không còn phù hợp nữa.
Trên phương diện học thuật có thể chia động sản thành một số loại như sau:
- Nếu dựa trên dạng tồn tại của động sản có thể chia động sản thành động sản hữu hình (corporeal moveables) và động sản vô hình (incorporeal moveables).
- Nếu dựa trên tiêu chí đăng ký quyền sở hữu động sản có thể chia động sản thành động sản có đăng ký sở hữu và động sản không đăng ký sở hữu. Tàu bay, tàu biển hay một số đối tượng quyền sở hữu công nghiệp là các ví dụ về động sản có đăng ký sở hữu.
Nếu áp dụng định nghĩa động sản quy định tại khoản 2, điều 107 của Bộ luật dân sự nêu ở trên, một quyền tài sản sẽ mặc nhiên được coi là động sản vô hình trừ khi có một văn bản pháp luật quy định quyền tài sản này là bất động sản.
Quyền tài sản là một loại tài sản khá đặc thù trong pháp luật Việt Nam. Điều 115, Bộ luật dân sự định nghĩa “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, quyền tài sản được hiểu là các (i) quyền, (ii) trị giá được bằng tiền. Nếu một quyền không thể trị giá được thành tiền thì không thể được coi là quyền tài sản. Danh sách các quyền tài sản nêu tại điều luật này là một danh sách mở. Xét ở khía cạnh tích cực thì nó không hạn chế các quyền có thể được xem là quyền tài sản với điều kiện chúng thỏa mãn hai tiêu chí nêu trên. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được một quyền nhất định có được xem là quyền tài sản hay không nhất là trong bối cảnh ranh giới giữa các quyền đối với tài sản và các quyền được xem là tài sản khá mong manh và chưa thực rõ ràng trong pháp luật thực định. Về mặt này, đáng tiếc là phần quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự không nêu rõ các loại quyền tài sản có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm. Điều này đang gây không ít khó khăn cho các bên khi xác lập các giao dịch bảo đảm trong thực tế.
Bên cạnh quyền sử dụng đất, các quyền tài sản phổ biến được sử dụng để bảo đảm các khoản tín dụng trong thực tế hiện nay bao gồm quyền đòi nợ, một số quyền khác phát sinh từ hợp đồng, số dư tài khoản ngân hàng, phần vốn góp, cổ phần, chứng khoán và quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hầu như vắng bóng trong danh mục tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
2. Giao dịch bảo đảm bằng động sản
Động sản có thể trở thành đối tượng của bảy trong số chín biện pháp bảo đảm được ghi nhận tại Điều 292, Bộ luật dân sự, đó là cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản [1]. Trong số các biện pháp bảo đảm này, cầm cố và thế chấp được sử dụng nhiều nhất trong thực tế. Do thế chấp không đặt ra yêu cầu giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp (khoản 1, Điều 317, Bộ luật dân sự) như trong trường hợp cầm cố (Điều 309, Bộ luật dân sự) nên các bên thường ưu tiên xác lập biện pháp bảo đảm này, nhất là trong trường hợp bên bảo đảm cần khai thác hay sử dụng tài sản bảo đảm để tạo ra nguồn thu giúp hoàn trả khoản vay được bảo đảm.
Loại động sản hữu hình được các tổ chức tín dụng nhận làm tài sản cẩm cố nhiều nhất trong thực tế là hàng hóa (trừ hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh được thế chấp) cho dù biện pháp bảo đảm này có nhược điểm lớn là đặt ra nghĩa vụ đối các tổ chức tín dụng phải bố trí kho để lưu hàng và bảo quản chúng. Ngoài ra, vàng hoặc ngoại tệ là tiền mặt cũng có thể được sử dụng làm tài sản cầm cố để bảo đảm khoản tín dụng được cấp.
Một số động sản hữu hình có thể vừa trở thành đối tượng của cầm cố, vừa có thể thế chấp, như máy móc, vật tư… Máy móc thuộc dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp thường được thế chấp do doanh nghiệp cần các máy móc này để phục vụ hoạt động sản xuất của mình. Xe cơ giới là loại động sản hữu hình được thế chấp phổ biến nhất. Nhìn chung, động sản hữu hình thường không hấp dẫn các tổ chức tín dụng do giá trị của động sản thường thấp hơn nhiều so với bất động sản.
Đối với các động sản vô hình, điều dễ nhận thấy là chúng không thể chuyển giao về mặt vật chất (do không thể chiếm hữu được chúng) nên không thể trở thành đối tượng của cầm cố mà chỉ có thể được thế chấp.
Ngày nay, các động sản vô hình có xu hướng chiếm một tỷ trọng ngày càng quan trọng trong tổng tài sản của một doanh nghiệp. Việc sử dụng tài sản vô hình để bảo đảm nghĩa vụ có rất nhiều ưu điểm so với tài sản hữu hình bởi vì giúp tránh được nguy cơ tài sản bị mất, bị phá hủy hay giảm giá trị. Hơn nữa tài sản vô hình có thể được lưu trữ và chuyển giao bằng các phương tiện điện tử mà không chịu hạn chế về mặt kích thước hay không cần phải chuyển giao về mặt vật chất. Chỉ bằng một cái nhấn chuột máy tính, tài sản vô hình có thể vượt qua biên giới một nước. Chính vì thế đây là một loại tài sản khá lý tưởng để bảo đảm khoản vay[2]. Tuy vậy, ở Việt Nam việc cho vay theo tài sản vô hình chưa thực sự phổ biến. Ngoài tâm lý “chuộng” tài sản hữu hình quy định pháp luật hiện hành vừa thiếu vừa ít tính khả thi đang là rào cản lớn cho việc xác lập và xử lý các giao dịch bảo đảm bằng tài sản vô hình. Bộ luật dân sự cần được bổ sung các quy định áp dụng riêng cho việc thế chấp động sản vô hình để tạo hành lang pháp lý ổn định cho việc xác lập, quản lý và xử lý loại thế chấp này.
Do thế chấp động sản vô hình vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên quy định hiện hành của Bộ luật dân sự còn khá sơ sài, và còn bỏ ngỏ khá nhiều khía cạnh của biện pháp bảo đảm (quan trọng) này3. Thực vậy, các quy định về thế chấp tài sản của Bộ luật dân sự (Điều 317 và các điều tiếp theo) dường như chỉ hướng đến các tài sản (động sản) hữu hình và rất khó áp dụng cho các động sản vô hình. Bộ luật dân sự không có một quy định riêng nào dành cho một giao dịch bảo đảm đối với một loại động sản vô hình cụ thể trong khi các văn bản pháp luật chuyên ngành vẫn ít nhiều còn bỏ ngỏ biện pháp bảo đảm này.
Có thể xem xét xây dựng trong Bộ luật dân sự một phần quy định chung áp dụng cho thế chấp các động sản vô hình (xác định rõ thế chấp là giao dịch bảo đảm áp dụng cho động sản vô hình, nêu danh sách các động sản vô hình có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm, xác định quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp và bên nhận thế chấp trong quá trình thế chấp trong đó có quyền khởi kiện liên quan đến tài sản thế chấp, quy định nghĩa vụ của bên thế chấp hay bên thứ ba phải hợp tác với bên nhận thế chấp để xử lý tài sản thế chấp, định giá tài sản thế chấp...). Bộ luật dân sự cũng nên có các quy định riêng điều chỉnh việc thế chấp từng loại động sản vô hình, khắc phục các hạn chế sẽ được phân tích một phần dưới đây. Đồng thời, hệ thống pháp luật chuyên ngành nên có các quy định điều chỉnh các khía cạnh đặc thù áp dụng cho từng loại thế chấp động sản vô hình cụ thể, qua đó bổ sung phần quy định của Bộ luật dân sự và tạo ra cơ chế hoàn chỉnh cho việc xác lập, quản lý và xử lý các giao dịch bảo đảm này.
Trong khi chờ đợi các quy định này thì các văn bản hướng dẫn phần quy định về giao dịch bảo đảm của Bộ luật dân sự nên có các quy định áp dụng cho thế chấp từng loại động sản vô hình.
Liên quan đến các biện pháp bảo đảm bằng động sản khác, có thể thấy mặc dù đặt cọc và ký cược là hai biện pháp bảo đảm độc lập song chúng đều mang nhiều đặc điểm của cầm cố, nhất là việc tài sản bảo đảm được giao cho bên nhận bảo đảm (khoản 1, Điều 328 và khoản 1, Điều 329, Bộ luật dân sự). Tài sản đặt cọc hoặc ký cược có thể là một khoản tiền hoặc kim khí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (khoản 1, Điều 328 và khoản 1, Điều 329, Bộ luật dân sự). Nghĩa vụ được bảo đảm bởi đặt cọc là nghĩa vụ giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (khoản 1, Điều 328, Bộ luật dân sự) trong khi ký cược được sử dụng chỉ để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê (khoản 1, Điều 329, Bộ luật dân sự).
Ký quỹ xác lập quan hệ ba bên giữa bên có nghĩa vụ, bên có quyền và tổ chức tín dụng, theo đó bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ và trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ký quỹ (Điều 330, Bộ luật dân sự).
Khác với các biện pháp bảo đảm bằng tài sản khác, cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm không được xác lập trên cơ sở thỏa thuận của các bên mà phát sinh như hệ quả của quy định pháp luật. Điều 346, Bộ luật dân sự định nghĩa “cầm giữ tài sản là việc bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Biện pháp bảo đảm này không trao cho bên nhận bảo đảm quyền ưu tiên thanh toán đối với tài sản cầm giữ mà đơn thuần chỉ là quyền chiếm giữ tài sản cho đến khi được thanh toán đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ và các chi phí khác cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ (khoản 1 và khoản 2, Điều 348, Bộ luật dân sự). Nói cách khác, cầm giữ là một cách thức mà bên có quyền có thể gây áp lực lên bên có nghĩa vụ. Nhìn một cách tổng thể có thể thấy các quy định của Bộ luật dân sự đã đề cập được một cách khá toàn diện các khía cạnh khác nhau của biện pháp bảo đảm này.
Bảo lưu quyền sở hữu được quy định tại Điều 331 và các điều tiếp theo của Bộ luật dân sự. Theo đó, các bên trong hợp đồng mua bán có thể thỏa thuận về việc bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu tài sản là đối tượng của hợp đồng này cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Tuy vậy, bên bán có nghĩa vụ hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Khi đọc các quy định nêu trên của Bộ luật dân sự, rất khó xác định được một cách rõ ràng các bên trong quan hệ bảo đảm cũng như nghĩa vụ được bảo đảm. Pháp luật của một số nước công nhận bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm, như Pháp nêu rõ bên bảo đảm là bên mua, bên nhận bảo đảm là bên bán, còn nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ thanh toán số tiền mà bên mua còn chưa trả cho bên bán theo hợp đồng mua bán. Thế nhưng, Bộ luật dân sự một mặt không đề cập cụ thể các khía cạnh này, mặt khác lại vô tình tước đi quyền hưởng biện pháp bảo đảm của bên bán thông qua việc đặt ra nghĩa vụ cho bên bán phải hoàn trả bên mua số tiền đã nhận thanh toán từ bên này. Thực vậy, rõ ràng là bên bán sẽ không được thanh toán số tiền còn thiếu - điều mà đáng lẽ biện pháp bảo đảm này hướng tới. Thêm vào đó, khi đã bán tài sản, không phải lúc nào bên bán cũng muốn nhận lại tài sản đã bán vì rất nhiều lý do, chẳng hạn khi giá thị trường của tài sản đã giảm đáng kể hay khi tài sản có tính chất đặc thù và khó tìm được khách hàng mua... Cách tiếp cận của Bộ luật dân sự có thể dẫn tới việc bên mua nếu muốn trả lại tài sản và đòi lại số tiền đã thanh toán thì chỉ việc không thanh toán hết số tiền đã thỏa thuận. Đây là điều thật sự đáng tiếc!
3. Động sản hình thành trong tương lai
Khoản 2, Điều 105, Bộ luật dân sự quy định “động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Cầm cố chỉ có thể được sử dụng đối với tài sản hiện hữu có thể được chuyển giao cho bên cho vay. Do đó, giao dịch bảo đảm này không áp dụng cho tài sản hình thành trong tương lai.
Hiện nay, vẫn còn một số ý kiến phản đối việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, phần lớn là do tính không chắc chắn của loại tài sản đặc biệt này[4] cho dù khoản 3, Điều 295, Bộ luật dân sự cho phép một cách rõ ràng việc sử dụng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm.
Khoản 2, Điều 108, Bộ luật dân sự định nghĩa tài sản hình thành trong tương lai bao gồm (i) tài sản chưa hình thành; và (ii) tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Như vậy, trong quan hệ thế chấp, động sản hình thành trong tương lai có thể là động sản còn chưa tồn tại về mặt vật chất hoặc là động sản chưa thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp tại thời điểm xác lập giao dịch thế chấp. Cách tiếp cận này cũng là cách tiếp cận chung của các nền pháp luật tiên tiến trên thế giới như Anh, Úc…
Điều đáng nói ở đây là như nêu ở trên theo quy định tại khoản 1, Điều 295 Bộ luật dân sự, tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Rõ ràng là tại thời điểm xác lập hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, bên thế chấp vẫn chưa xác lập (được) quyền sở hữu của mình đối với tài sản này. Vậy đâu là triết lý đằng sau quy định cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai?
Về điểm này, theo quy định tại khoản 1, Điều 319, Bộ luật dân sự, “hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Áp dụng vào trường hợp thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, để dung hòa với yêu cầu về việc tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp có thể lập luận rằng biện pháp bảo đảm này chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp, tức là thời điểm tài sản thế chấp đã hình thành và/hoặc bên thế chấp đã xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp. Các văn bản hướng dẫn Bộ luật dân sự cần làm rõ khía cạnh này để tránh các tranh chấp có thể phát sinh từ việc giải thích khác nhau quy định.
Thêm vào đó, khoản 2, Điều 295, Bộ luật dân sự đặt ra yêu cầu là “tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được”. Điều đó, có nghĩa là tài sản hình thành trong tương lai là đối tượng của biện pháp thế chấp phải có thể xác định được một cách đầy đủ tại thời điểm tài sản đó hình thành hoặc tại thời điểm tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên
thế chấp.
4. Đăng ký giao dịch bảo đảm
Cầm cố động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản (khoản 2, Điều 310, Bộ luật dân sự). Tuy nhiên, điểm c, khoản 1, Điều 4, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm (“Nghị định 102”) lại quy định bắt buộc phải đăng ký cầm cố tàu bay. Quy định này ngầm định rằng cầm cố tàu bay chỉ có hiệu lực giữa các bên và có tính đối kháng với các bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Thế chấp tàu bay và thế chấp tàu biển cũng thuộc diện bắt buộc phải đăng ký như trong trường hợp cầm cố tàu bay (điểm c và điểm d, khoản 1, Điều 4, Nghị định 102). Thế chấp tàu bay được đăng ký tại Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải còn thế chấp tàu biển được đăng ký tại Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam cũng trực thuộc Bộ này (khoản 1 và khoản 2, Điều 9, Nghị định 102). Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp có thẩm quyền thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng các động sản khác.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 308, Bộ luật dân sự, thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận thế chấp một động sản được xác định theo thứ tự đăng ký thế chấp; trong trường hợp có biện pháp thế chấp được đăng ký và có biện pháp thế chấp không được đăng ký thì khoản vay được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp được đăng ký sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Nhìn chung, quy định này khá tiến bộ và hiệu quả nhất là trong trường hợp thế chấp động sản vô hình.
Cũng theo tinh thần của Nghị định 102, nếu biện pháp cầm cố hay thế chấp một động sản nhất định được đăng ký tại cơ quan nào thì biện pháp bảo lưu quyền sở hữu đối với động sản đó cũng được đăng ký tại chính cơ quan đăng ký đó. Thông thường, trước khi nhận cầm cố hay thế chấp động sản, tổ chức tín dụng thường tìm hiểu thông tin xem động sản đó có là đối tượng của một điều khoản bảo lưu quyền sở hữu hay không. Do đó, nguyên tắc đăng ký này được xem như sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của động sản liên quan đó.
5. Quản lý và xử lý tài sản bảo đảm là động sản hữu hình
Khó khăn trong việc quản lý tài sản bảo đảm là động sản hữu hình cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các tổ chức tín dụng kém mặn mà với loại tài sản bảo đảm này. Thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng hầu như không có biện pháp nào hiệu quả để quản lý, giám sát tài sản bảo đảm là động sản hữu hình, đặc biệt đối với các tài sản như phương tiện vận tải, máy móc, vật tư, hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh… dẫn đến việc bên bảo đảm tẩu tán, tự ý chuyển nhượng các tài sản dạng này không còn là tình trạng hiếm gặp. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện hành cũng không quy định về chế tài xử lý đối với hành vi tẩu tán tài sản bảo đảm là động sản hữu hình của bên bảo đảm mà chỉ nhìn nhận đó là quan hệ dân sự giữa các bên. Trong trường hợp này, các tổ chức tín dụng không chỉ chịu rủi ro về kinh tế mà còn chịu rủi ro về trách nhiệm cán bộ của tổ chức tín dụng khi không quản lý được tài sản bảo đảm.
Về xử lý tài sản bảo đảm là động sản hữu hình, trường hợp tổ chức tín dụng biết được vị trí của tài sản bảo đảm là động sản hữu hình, việc thu hồi tài sản để xử lý có thể sẽ dễ dàng hơn so với bất động sản, thông qua biện pháp tổ chức tín dụng thực hiện thu giữ loại tài sản bảo đảm này (đối với bất động sản thì việc thu giữ khó thực hiện hơn chẳng hạn do nhà ở đang có người sinh sống, hoặc nhà xưởng đang hoạt động sản xuất kinh doanh…). Tuy nhiên, thực tế thì việc xử lý tài sản bảo đảm là động sản hữu hình cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến tranh chấp giữa tổ chức tín dụng với các bên thứ ba (bên mua tài sản bảo đảm khi chưa được sự đồng ý của tổ chức tín dụng, bên cầm giữ tài sản…) hoặc giữa các tổ chức tín dụng với nhau (khi một bên dùng một tài sản để thế chấp vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng, đặc biệt đối với các tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì rất khó để xác định tài sản đó được tổ chức tín dụng nào nhận thế chấp nhất là khi tài sản đó thuộc một dây chuyền sản xuất). Thông thường, khi phát sinh tranh chấp với bên thứ ba thì việc xử lý tài sản bảo đảm là động sản hữu hình để thu hồi nợ phải thông qua tòa án và sau đó là cơ quan thi hành án và thường tốn kém nhiều thời gian, chi phí cho các tổ chức tín dụng.
_______________
1 Xem thêm, Bùi Đức Giang, “Xác lập biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo Bộ luật dân sự 2015”, Tạp chí Ngân hàng, số 18 tháng 9/2016, 37-39.
2 Louise Gullifer (ed), “Goode on Legal Problems of Credit and Security”, Sweet & Maxwell, 5th edn, 2013, para.3-01.
3 Xem thêm Bùi Đức Giang, “Giao dịch bảo đảm bằng tài sản vô hình: một số gợi ý hoàn thiện quy định hiện hành”, Tạp chí Ngân hàng, số 17, tháng 9/2014, 36-41.
4 Xem thêm Trương Thanh Đức, “9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2017,161 - 168.
TS. Bùi Đức Giang
Nguồn: TCNH số 22/2018