Trong suốt quá trình dịch COVID-19 từ năm ngoái đến nay, mức giá bất động sản đều có xu hướng tăng.
Dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng tới hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một nghịch lý là tại thị trường bất động sản, giao dịch vẫn diễn ra bất chấp dịch bệnh, giá bán vẫn ở mức cao. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư mua vào vì lo sợ giá sẽ thiết lập mặt bằng cao hơn sau dịch.
Theo một nghiên cứu của công ty CBRE, trong suốt quá trình dịch COVID-19 từ năm ngoái đến nay, mức giá bất động sản đều xu hướng tăng. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh tăng 16%, Hà Nội tăng 7%.
"Trong tháng vừa rồi, vẫn có giao dịch, xác lập từ bán hàng trực tuyến. Các dự án mới duyệt của năm 2021 mới bằng 21% của năm 2020 nên nguồn cung sẽ khan hiếm", ông Hoàng Đình Khiêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh và phát triển địa ốc Vietstarland cho biết.
Theo nhận định từ CBRE, dù thị trường giảm nguồn cung và giao dịch do dịch bệnh, nhưng trong hơn 18 tháng qua, khi dịch bệnh bùng phát, giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc gần như không sụt giảm mà vẫn đà tăng.
"6 tháng đầu năm 2021, số lượng căn hộ chào bán thành công tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh ấn tượng hơn là 28%. Điều này cho thấy mặc dù dịch bệnh, nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam nhận định.
Hầu hết các chủ đầu tư muốn chọn phân khúc trung cao cấp nhằm căn bằng lợi nhuận (Ảnh minh hoạ)
Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ tầm trung và cao cấp, giá căn hộ liên tục đi lên. Theo các chủ đầu tư, mấy năm nay chi phí đầu vào như tiền đất, chi phí xây dựng đều tăng mạnh nên hầu hết các chủ đầu tư muốn chọn phân khúc trung cao cấp nhằm căn bằng lợi nhuận.
Đại diện Savills Việt Nam cũng lý giải, giá nhà tăng một phần vì các dự án được đầu tư với chất lượng cao hơn, từ hạ tầng tới trang thiết bị nội thất.
"Dòng sản phẩm cao cấp cần có chủ đầu tư uy tín, bàn giao chất lượng tốt, môi trường sống đầy đủ, chào bán độc đáo thì mới thu hút được sự quan tâm", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định.
Về việc xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ do đại dịch - các chuyên gia nhận định, chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, chủ yếu xảy ra với đất nền ở xa, thiếu hạ tầng hoặc quy hoạch chưa rõ ràng hoặc chiêu trò bán hàng. Phần đông các chủ sở hữu hiện tại đều có tiềm lực tài chính tốt, ít phụ thuộc vào vốn ngân hàng như trước đây nên khả năng bán tháo, cắt lỗ là khó xảy ra.
Nguồn: VTV.vn