Vốn ngoại "trực chờ ngoài cửa" để mua bất động sản công nghiệp và logistics TP.HCM
Ngày đăng: 10:06 28/08/2021 | Bất động sản

Nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn dành ngân sách lên tới hàng tỷ USD cho chiến lược đầu tư vào bất động sản công nghiệp và logistics tại Việt Nam, trong đó có TP.HCM…

Ảnh minh hoạ.

Trong những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản công nghiệp và logistisc đang là điểm sáng giữa đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, với giá thuê đất, nhà xưởng, kho bãi liên tục leo thang.

NHIỀU THƯƠNG VỤ ĐẦU TƯ LỚN

Tại TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2021 đã đón thêm dự án bất động sản logistics lớn từ BW Industrial (Hà Lan) đầu tư tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

BW Industrial quyết định “rót” 80,6 triệu USD vào Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung để xây dựng kho bãi cho thuê và cung cấp dịch vụ logistics trên quy mô 146.387m2 tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Đến từ Singapore, SEA Logistics Partners (SLP) đang cùng đối tác xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics trong vòng 3 - 4 năm tới tại thị trường Việt Nam.

Hiện nhà phát triển bất động sản công nghiệp này đã thu gom được 5 khu đất với tổng diện tích gần 700.000m2, đều nằm ở vị trí chiến lược tại hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM.

Trước đó, một nhà đầu tư Singapore khác là Emergent VN Logistics Development Pte. Ltd đã được cấp phép đầu tư dự án Trung tâm Logistics ECPVN Sài Gòn 1, với tổng vốn đầu tư 34,1 triệu USD.

Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương lên tới 89-99%, đất trống còn rất ít, giá thuê tăng 5-10% mỗi năm. Thị trường bất động sản công nghiệp hiện có nhu cầu thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất cao. Đối với các công trình xây sẵn do các nhà cung cấp thận trọng hơn trong việc cam kết thuê đất dài hạn hoặc dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng.

Ngoài ra, điều khiến dòng vốn ngoại vẫn liên tục “rót” vốn vào bất động sản công nghiệp và logistics, đó là sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử không chỉ trong bối cảnh dịch Covid-19 mà còn chuẩn bị cho tương lai, đã khiến nhu cầu đầu tư kho vận tại Việt Nam tăng cao.

NHANH CHÓNG MỞ RỘNG DỰ ÁN

TPHCM là nơi xuất khẩu nhiều hàng hóa và có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao gấp đôi mức bình quân cả nước. Do đó, thành phố cũng đã phê duyệt đề án phát triển ngành logistics giai đoạn 2021-2030, trong đó, sẽ tập trung phát triển 7 trung tâm logistics với tổng diện tích khoảng 623ha.

Cụ thể, các Trung tâm Logistics Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao ở TP. Thủ Đức; Trung tâm Logistics Tân Kiên ở huyện Bình Chánh; Trung tâm logistics Củ Chi ở huyện Củ Chi và Trung tâm logistics Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè.

Thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, thành phố có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.921ha.

Đến nay, 19 khu chế xuất, khu công nghiệp có quyết định thành lập nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức và 8 quận, huyện với tổng diện tích 4.546ha/5.921ha, chiếm 77% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tính đến năm 2020.

Trong đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp đã cho thuê đạt 1.830ha/2.539ha đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.

Các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập nhưng chưa hoàn thiện pháp lý đầu tư, sử dụng đất: Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng.

Các khu công nghiệp có trong danh mục quy hoạch khu công nghiệp thành phố nhưng chưa được thành lập, gồm: Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp.

Đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút 1.652 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,49 tỷ USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 556 dự án, vốn đầu tư đăng ký 6,63 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 1.096 dự án, vốn đầu tư đăng ký 85.472,17 tỷ đồng (tương đương 4,86 tỷ USD).

Các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 276.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 7 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 3%.

Với Khu Công nghệ cao có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 913ha, UBND TP.HCM  đã duyệt quy hoạch chung, các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000.

Hiện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã giao lại đất, cho thuê đất cho 127 dự án với tổng diện tích khoảng 524ha trên khoảng 590ha đất thương phẩm có thể giao lại đất, cho thuê đất trong Khu Công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 88,8% và nếu so với tổng diện tích toàn Khu Công nghệ cao 913ha thì diện tích đất giao và cho thuê chiếm hơn 57%.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, Ban sẽ chú trọng phối hợp với cơ quan chức năng rà soát quỹ đất có thể phát triển công nghiệp để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; định hướng xây dựng khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai với diện tích 668ha có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

______________

Mộc Minh 

Nguồn: VnEconomy

Trở lại Bất động sản
Tin tức - Sự kiện
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng đến phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, nhờ những điều chỉnh kịp thời một số ngân hàng vẫn đạt kết quả ấn tượng, trong đó, VietABank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và được các tổ chức quốc tế vinh danh với 3 giải thưởng uy tín.
Hình ảnh - Video
Điểm qua một số kết quả hoạt động kinh doanh nổi bật đạt được trong năm 2020 của VietABank
Hình ảnh buổi Lễ tri ân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 dành cho giảng viên nội bộ VietABank Khu vực phía Nam