Phát triển ngân hàng số trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Ngày đăng: 10:53 03/09/2021 | Tài chính - Ngân hàng

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2025, cụ thể như sau: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động (đến năm 2030 là 100%); kinh tế số chiếm 20% GDP (đến năm 2030 là 30%); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu là 10% (đến năm 2030 là 20%); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (đến năm 2030 thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin)...

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được xem là một trong những định hướng ưu tiên. Theo đó, chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng đa dạng các kênh phân phối, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính - ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng. 

Mỗi năm, tốc độ phát triển các công nghệ hiện đại ngày càng cao. Đổi mới sáng tạo ngày nay là một định hướng ưu tiên của mỗi quốc gia khi chúng góp phần cải thiện tất cả các lĩnh vực của xã hội. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, chỉ thông qua đổi mới sáng tạo, sự lan tỏa của công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của dân cư. Theo thống kê, tại các quốc gia phát triển, 70 - 85% tăng trưởng GDP là nhờ tri thức đổi mới sáng tạo. Xu hướng mang tính toàn cầu này làm cho tốc độ hình thành, phát triển và hiện thực hóa đổi mới sáng tạo đang tăng vọt. 

Chuyển đổi số đang được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có dịch vụ ngân hàng. Những năm gần đây, các ngân hàng Việt Nam đang tìm cách mở rộng danh mục các dịch vụ cung cấp bằng cách tích cực ứng dụng các công nghệ điện tử để đơn giản hóa quy trình phục vụ khách hàng. Thêm vào đó, sự phát triển của các công ty fintech khuyến khích các ngân hàng truyền thống cải tiến công nghệ. Trong trường hợp này, có hai phương án thực hiện: chuyển đổi cấu trúc cũ hoặc tìm kiếm những phương thức hợp tác mới. Fintech hoặc công nghệ tài chính là một ngành mới nổi, có thể gia tăng hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Khái quát xu hướng phát triển ngân hàng số trên thế giới 

Các công ty khởi nghiệp và những “gã kinh doanh khổng lồ” ngày nay đều coi mình là các dự án fintech, vì chính sách của họ hướng đến việc cải tiến thường xuyên và tối ưu hóa các dịch vụ tài chính. Đó là cả hệ thống thanh toán trực tuyến và các sàn giao dịch, hỗ trợ thu đổi ngoại tệ trên Internet; tất cả các loại hình công ty tài chính thực hiện các giao dịch với tiền điện tử, nơi người dùng có thể mở tài khoản trực tuyến và chuyển tiền; ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động, cũng như các ngân hàng truyền thống đang thực hiện tối ưu hóa và nâng cao chất lượng thông qua ứng dụng các công nghệ hiện đại và tiền điện tử. Ngân hàng số hiện đang dần thay thế các sản phẩm cổ điển.

Cơ sở hạ tầng của các ngân hàng hiện nay bao gồm các mạng xã hội, các dịch vụ tin nhắn và giao tiếp với khách hàng trên tổng đài chăm sóc khách hàng. Tất cả các hệ thống thanh toán hiện đại đều được bảo mật và đáng tin cậy. Một số có hệ thống mã bảo mật riêng biệt để đọc dấu vân tay và võng mạc. Theo dự báo công bố cuối năm 2018 của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), đến năm 2023, khoảng 30% doanh thu của hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ chỉ đến từ các kênh số hóa. 

Trong báo cáo “Xây dựng Ngân hàng số bền vững” (Designing a Sustainable Digital Bank), IBM đã giải thích và trình bày khái niệm về ngân hàng số. Đặc điểm của nó là các sản phẩm và dịch vụ do ngân hàng cung cấp đều được thực hiện dưới dạng số hóa, nên người sử dụng thông tin (khách hàng) được tiếp cận miễn phí và đơn giản hóa đáng kể cuộc sống của họ, vì hầu hết con người hiện đại sử dụng tài nguyên điện tử. Nghĩa là, “mô hình ngân hàng như vậy được tối ưu hóa để tương tác trong thời gian thực và khái niệm "số hóa" đảm bảo những thay đổi trong công nghệ số diễn ra với tốc độ cao” [5]. 

Nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự thành công của số hóa ngân hàng là khả năng mở rộng quy mô hiệu quả. Đó là lý do tại sao có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp fintech không những rất khó để giành được sự tin tưởng của khách hàng, mà còn, về nguyên tắc, rất khó để thu hút họ, vì không có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ một thương hiệu nổi tiếng.

Tuy nhiên, năm 2017, kênh truyền hình quốc tế CNBC nhận định, các doanh nghiệp khởi nghiệp fintech là đối thủ xứng tầm của các ngân hàng. Trong số đó, có Circle (Dublin, Ireland), Deposit Solutions (Hamburg, Đức), AntFinancial (Hàng Châu, Trung Quốc). AntFinancial, được biết với tên gọi là Alipay, một trong những công ty mạnh nhất trong lĩnh vực tài chính và công nghệ ở cấp độ toàn cầu - công ty con của một gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, Alibaba Group, do Jack Ma thành lập, tương tự như eBay và PayPal. Cuối năm 2019, AntFinancial được định giá 60 tỷ USD. Công ty đã huy động được 4,5 tỷ USD trong năm 2018, mức cao nhất mọi thời đại đối với lĩnh vực fintech trong việc gọi vốn bên ngoài. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngân hàng thế hệ mới (Neobank) là một thực tiễn tuyệt vời và là con đường đúng đắn để phát triển. Neobank chỉ tồn tại trực tuyến (không có mạng chi nhánh) và được xây dựng từ con số “không” trên các nền tảng công nghệ. Trong số những lợi thế tiềm năng, có thể bao gồm mức phí thấp hơn (hoặc không có), đồng thời, đòi hỏi một cấp độ phục vụ và hỗ trợ khách hàng mục tiêu hoàn toàn khác. Có nghĩa là, các ngân hàng này không có chi nhánh vật lý trên thực tế, các giao dịch được thực hiện thông qua các trang web và ứng dụng di động. Đôi khi, Neobank còn được gọi là ngân hàng trực tuyến (online banking hoặc direct banking), và ở Anh, chúng được gọi là “challenger bank”, vì chúng là những ngân hàng kiểu mới. Những người chơi mới có lợi thế rất lớn để tạo ra các sản phẩm số đổi mới sáng tạo “nhờ” không có cơ sở hạ tầng lạc hậu.

Một ví dụ về Neobank thành công ở Nga là Tochka Bank, ngân hàng có định hướng phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tochka Bank có các đặc điểm sau: (1) Đại diện ngân hàng có thể đến nhà người dùng (khách hàng) và giúp giải đáp mọi thắc mắc, kể cả việc mở thẻ công ty; (2) Nếu một tình huống phát sinh khi một số khách hàng có kết nối kinh doanh sử dụng tài khoản của Tochka Bank, thì họ sẽ hưởng nhiều tiện lợi: việc chuyển tiền giữa các tài khoản của khách hàng diễn ra rất nhanh, các chỉ số tài chính luôn có sẵn và cập nhật khi cần thiết. 

Tuy nhiên, các ngân hàng không phải lúc nào cũng chỉ đầu tư vào các ứng dụng di động hoặc Internet Banking của riêng họ, đôi khi, họ chỉ đơn giản là mua những ứng dụng đã xuất hiện trên thị trường khởi nghiệp fintech. Một ví dụ về sự kiện này là thương vụ mua Simple của Tập đoàn Tài chính đa quốc gia Tây Ban Nha (BBVA), cũng như việc mua Rocketbank của Otkritie Bank. Và để mua một công ty khởi nghiệp của Mỹ (Simple), BBVA đã bỏ ra 117 triệu USD. Mục tiêu theo đuổi ở đây là, tập trung vào giới trẻ Mỹ, đồng thời, mở rộng sự chú ý của người Tây Ban Nha. Chi phí mua Rocketbank của Otkrytie Bank khoảng 300 triệu rúp. Điều này đã mang lại lợi thế về số lượng người dùng di động có sẵn. 

Xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Hòa nhịp với xu hướng số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, các ngân hàng trong nước đã chủ động, quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, hợp tác với các công ty fintech, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ngân hàng số để cải tiến chất lượng dịch vụ tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Phát triển ngân hàng số, trở thành ngân hàng số hàng đầu là mục tiêu chủ yếu của nhiều NHTM hiện nay. Nhờ đó, diện mạo ngân hàng số của các NHTM đã có những thay đổi và đột phá lớn trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, có đến 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó, có 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với chiến lược tập trung đẩy mạnh mảng dịch vụ ngân hàng số hiện đại, đã tích cực hợp tác với các đối tác fintech lớn và có uy tín tại Việt Nam như VnPay, Napas, Payoo, Bankplus, Momo... để triển khai các giải pháp thanh toán và giao dịch ngân hàng trực tuyến. Đặc biệt, VPBank đã phối hợp với Lifestyle Project Management Vietnam thành lập ngân hàng số thế hệ mới Timo. Timo là ngân hàng số đầu tiên trong nước không có chi nhánh hoặc các phòng giao dịch như các ngân hàng truyền thống. Tháng 9/2018, VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo và là ngân hàng số đầu tiên hoạt động trên đám mây dịch vụ web Amazon, cho phép phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng người dùng. 

Với giải thưởng “Ngân hàng số tốt nhất” do Tạp chí The Asean Banker trao tặng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã phát triển một hệ sinh thái với các sản phẩm và kênh kết nối chặt chẽ với nhau, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng như LiveBank hoạt động 24/7 tại các địa điểm chiến lược như tiếp xúc vật lý để phục vụ nhu cầu tiền mặt và thực hiện định danh khách hàng (KYC); Savy, MyGo, QuickPay đáp ứng các nhu cầu cụ thể (tiết kiệm, mua hàng) của khách hàng trẻ và thu hút khách hàng mới; eBankX là cổng thông tin quản lý tài chính cho khách hàng hiện tại; trợ lý ảo T’Aio ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy học giải đáp các câu hỏi của khách hàng trên kênh online. Mặt khác, TPBank đưa tính năng nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói) tại các kênh giao dịch (LiveBank, eBankX) và kênh hỗ trợ (đường dây nóng) để ngăn chặn gian lận và cải thiện trải nghiệm khách hàng. TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ blockchain vào nghiệp vụ chuyển tiền quốc tế, giúp gia tăng sự an toàn, chính xác và có độ tin cậy cao. Cùng với đó, TPBank cũng đang triển khai các ứng dụng công nghệ mới như giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), dữ liệu lớn (Big Data) vào một số hoạt động ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả đáng kể.

Tháng 12/2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức ra mắt Trung tâm ngân hàng số BIDV (Digital Banking Center) nhằm chuyên biệt hóa việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Trung tâm ngân hàng số thực hiện năm nhiệm vụ chính: (1) Tham mưu điều hành, triển khai số hóa cho ngân hàng, trong đó, không chỉ số hóa một phần ngân hàng, mà tập trung số hóa các kênh phân phối, hệ thống giao dịch, tương tác với khách hàng... để hướng đến số hóa toàn diện; (2) Thử nghiệm và phát triển mô hình kinh doanh số; (3) Phát triển kênh phân phối và sản phẩm số để số hóa tất cả khách hàng; (4) Nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để hiểu khách hàng; (5) Liên tục đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian này, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng ra mắt ứng dụng Ipay Mobile phiên bản 5.0. Ngoài những tiện ích cơ bản như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé máy bay/tàu xe, thanh toán QR Pay... ứng dụng cập nhật thêm hơn 50 tiện ích đa dạng mới, giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng; đồng thời, giới thiệu nền tảng công nghệ dựa trên Open API với tên gọi Vietinbank iConnect.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã chính thức ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện của robot OPBA và chi nhánh VTM OPBA. Đây là ngân hàng đầu tiên đưa robot vào phục vụ khách hàng. Robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi khách hàng và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch theo nhu cầu.

Tháng 7/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến, thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Với VCB Digibank, khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số theo cách hoàn toàn mới:

Thứ nhất, đồng nhất tên đăng nhập và mật khẩu. Sẽ chỉ còn một tên đăng nhập và một mật khẩu duy nhất.

Thứ hai, đồng nhất hạn mức giao dịch. Khách hàng sẽ có một hạn mức giao dịch trực tuyến thống nhất, lên tới 1 tỷ đồng/giao dịch đối với khách hàng thông thường và 3 tỷ đồng/giao dịch đối với khách hàng ưu tiên.

Thứ ba, tăng cường bảo mật. VCB Digibank kế thừa các phương thức bảo mật đã được áp dụng cho khách hàng trên các dịch vụ trước đây, bao gồm: Bảo mật giao dịch và đặc biệt là Smart OTP. Hơn nữa, VCB Digibank còn được bổ sung công nghệ xác thực đăng nhập mới - Push Authentication. Với công nghệ này, khi khách hàng đăng nhập trên trình duyệt web, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo tới ứng dụng di động để chờ khách hàng xác nhận trước khi cho phép đăng nhập thành công.

Thứ tư, dễ dàng thực hiện giao dịch tài chính, thanh toán và mua sắm. Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai e-KYC phục vụ khách hàng qua nền tảng số như smartphones, máy tính bảng với chức năng gọi video trực tiếp. Nhờ đó, ngân hàng có thể thiết lập quan hệ với khách hàng mọi nơi, mọi lúc một cách nhanh chóng, giảm thiểu quy trình, thủ tục mà khách hàng phải hoàn tất.

Kết luận

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song, phát triển ngân hàng số thời gian qua ở Việt Nam vẫn còn một số trở ngại như: (i) Thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh truyền thống của một bộ phận khách hàng; (ii) Hành lang pháp lý chưa đầy đủ và thường đi sau sự phát triển của công nghệ; (iii) Hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng an toàn, an ninh thông tin còn hạn chế; (iv) Nguồn chi phí đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển đổi số là rất tốn kém; (v) Cạnh tranh từ phía các công ty fintech và các công ty công nghệ lớn (Big Tech) cũng sẽ tạo áp lực với ngân hàng số.

Vì vậy, để tiếp tục phát triển mô hình ngân hàng số, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, những trở ngại chủ yếu nêu trên cần được quan tâm giải quyết từ phía các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính có liên quan. Dự báo tương lai, mô hình ngân hàng số là giai đoạn tiếp theo của đời sống chúng ta. Tiến tới một xã hội đổi mới về chất, liên quan đến số hóa hầu hết các quy trình, thủ tục, hướng đến đơn giản hóa cuộc sống của con người, khuyến khích sự phát triển của công nghệ hiện đại, mở rộng kiến thức và tiếp thu các kỹ năng mới. Riêng với Việt Nam, chúng ta có thể nói rằng, ngành Ngân hàng đã chọn con đường đúng đắn. Điều quan trọng là thời gian tới, các ngân hàng Việt Nam phải đánh giá đầy đủ tình hình trong nước và thế giới để có kế hoạch phát triển phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Ngân hàng số và thanh toán điện từ: Gợi mở từ khủng hoảng Covid-19 (2020), http://napas.com.vn/tin-tuc/tin-thi-truong/ngan-hang-so-va-thanh-toan-dien-tu---goi-mo-tu-khung-hoang-covid--19-2-690.html.

4. Global Corporate Banking 2018: Unlocking Success Through Digital (2018), https://www.bcg.com/publications/2018/global-corporate-banking-2018-unlocking-success-through-digital.

5. Designing a Sustainable Digital Bank, http://www.ibm.com.

6. Nine hot global fintechs that could be about to disrupt the banks, https://www.cnbc.com/2017/06/23/ten-hot-global-fintechs-that-could-disrupt-financial-services-in-2017.html.

7. Alexander Dunaev (2016), The fintech world beyond Silicon Valley and Europe: Emerging market contenders, https://techcrunch.com/2016/06/08/the-fintech-world-beyond-silicon-valley-and-europe-emerging-market-contenders/?ncid=rss.

8. EMEA Digital Banking Maturity 2018, http://www2.deloitte.com/DigitalBankingMaturity.

9. Сулименко О.В., Рябова К.А. (2019), Развитие цифрового банкинга и финтех-компаний.

TS. Nguyễn Đình Trung 

Trở lại Tài chính - Ngân hàng
Tin tức - Sự kiện
Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng đến phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, nhờ những điều chỉnh kịp thời một số ngân hàng vẫn đạt kết quả ấn tượng, trong đó, VietABank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và được các tổ chức quốc tế vinh danh với 3 giải thưởng uy tín.
Hình ảnh - Video
Điểm qua một số kết quả hoạt động kinh doanh nổi bật đạt được trong năm 2020 của VietABank
Hình ảnh buổi Lễ tri ân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 dành cho giảng viên nội bộ VietABank Khu vực phía Nam