Công nghệ ngày càng phát triển khiến cho cuộc sống ngày càng thuận tiện hơn rất nhiều, mọi thứ đều được giải quyết qua một vài cái click chuột hoặc một vài thao tác trên màn hình điện thoại. Nhưng công nghệ phát triển cũng có mặt trái khi sự xuất hiện của tội phạm công nghệ ngày càng nhiều, hình thức ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng chính sự thiếu hiểu biết của những người mới tiếp cận công nghệ để lừa đảo , chiếm đoạt tài sản, qua mặt cơ quan chức năng... Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 khiến cuộc sống có nhiều khó khăn, tội phạm công nghệ lại ngày càng bày ra nhiều chiêu trò để đánh lừa người dùng.
Mới đây, nhiều ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo người dùng 4 chiêu trò phổ biến nhất của tội phạm công nghệ dễ dàng khiến chúng ta sập bẫy.
Gần đây khi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang lây lan mạnh mẽ, một hình thức lừa đảo mới đã xuất hiện và rất dễ khiến chúng ta mắc bẫy. Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế... gửi thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch của có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân.
Tin nhắn giả mạo Bộ Y tế
Nếu truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus/mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản ngay sau đó.
Giả danh CSGT gọi điện để phạt nguội đang ngày càng trở nên phổ biến. Vì lý do "phạt nguội" nên không ít người lầm tưởng mình thật sự đã vi phạm giao thông.
Ngân hàng cũng chỉ ra những số điện thoại lạ được sử dụng ( 84 906.077.811, 84 906.071.895 và nhiều số điện thoại không xác định) gọi đến tự xưng là số tổng đài CSGT thông báo người nghe có biên lai "phạt nguội" do vi phạm giao thông và yêu cầu người nghe chuyển tiền vào tài khoản, cung cấp mã OTP...
Phòng CSGT từng phát cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới này
Đồng thời, chúng yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để dễ bề chiếm đoạt.
Đây là hình thức lừa đảo đang phổ biến và nhiều người gặp phải nhất hiện nay. Mỗi ngày có rất nhiều người bay hàng triệu đến hàng chục triệu đồng vì gặp phải những tin nhắn lừa đảo được gửi từ các đầu số giả mạo ngân hàng.
Theo đó, các tin nhắn gửi tới sẽ có đường link giả với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống, thông báo trúng thưởng, yêu cầu người tiêu dùng truy cập vào các website/đường link giả gần giống như website ngân hàng. Sau đó tiếp tục yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking. Lúc này nhiều người dùng đã chính hai tay dâng hiến toàn bộ thông tin cá nhân, mật khẩu của tài khoản. Kẻ gian chỉ việc nhẹ nhàng vào cuỗm tiền rồi vội đi.
Với hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng nâng cấp sim đang sử dụng lên sim 4G sau đó chiếm đoạt sim và từng bước chiếm đoạt tài khoản ngân hàng nhờ mã OTP được gửi về số điện thoại và rút toàn bộ tiền trong tài khoản.
Tin nhắn giả mạo yêu cầu nâng cấp sim 4G theo hướng dẫn
Với 4 hình thức lừa đảo này đang ngày càng trở nên phổ biến khiến rất nhiều người sập bẫy, mất đi tài sản hàng chục triệu đồng trong lúc dịch bệnh đang còn rất khó khăn. Phía ngân hàng đồng thời cũng chỉ ra 3 KHÔNG, tuyệt đối không nên làm để bảo vệ tài sản của mình.
1. KHÔNG truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email mà không có địa chỉ/thương hiệu rõ ràng.
2. KHÔNG cung cấp bất kỳ thông tin các nhân nào (tên đăng nhập, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, CMND...) cho bất kỳ ai, dù đó là nhân viên ngân hàng hay tự xưng là công an, nhân viên công ty mạng viễn thông, lãnh đạo, chính quyền.
3. KHÔNG đưa thông tin cá nhân hay đưa thông tin giao dịch lên mạng xã hội, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, số điện thoại vì sẽ tạo điều kiện cho lừa đảo chiếm đoạt tài khoản.
Theo NAI
Trí thức trẻ
Nguồn: Cafef.vn